Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

GIÁO LÝ VIÊN: Người nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi người khác “ký ức về Thiên Chúa

Giáo Lý Viên: Người nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi người khác “ký ức về Thiên Chúa”

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/06/2016 15:06 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIÁO LÝ VIÊN:
Người nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi người khác “ký ức về Thiên Chúa”

 
Tháng Bẩy là tháng nghỉ hè của các học sinh, cũng là tháng có những sinh hoạt chung của giảng viên và học viên các lớp giáo lý tại các giáo xứ; đặc biệt năm nay có Ngày Giáo Lý Viên giáo phận được tổ chức tại giáo xứ Bình An, giáo hạt Hàm Tân vào Chúa Nhật 24/7/2016. Trong tinh thần hiệp thông cổ vũ, xin gửi đến anh chị em bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chân dung sống động của người giáo lý viên. Dù đã phổ biến ba năm nay, nhưng ý nghĩa vẫn luôn có tính thời sự, nên dịp này xin được ôn lại với mọi người như một tâm tình mục tử.


Giáo lý viên là người nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi người khác “ký ức về Thiên Chúa”. Đây là một trong những điểm được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài giảng của thánh lễ sáng Chúa nhật 29/09/2013 tại Quảng trường thánh Phêrô, đánh dấu ngày Quốc Tế Giáo Lý Viên do Hội Đồng Giáo Hoàng về cổ vũ truyền giảng Tin mừng tổ chức, trong bối cảnh của Năm Đức Tin.

1. "Khốn cho các ngươi là những kẻ vô tâm ở Sion, và những kẻ tự cho mình an toàn,... Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà” (Am 6,1.4), các ngươi ăn, uống, ca hát, vui chơi và không để ý đến những vấn đề của người khác.
Những lời thật nghiêm khắc của tiên tri Amos, cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm mà tất cả chúng ta đang gặp phải. Vị sứ giả của Thiên Chúa muốn tố cáo điều gì, ông đặt trước mắt những người đương thời và cho cả chúng ta hôm nay điều gì.? Đó là Nguy cơ sống thoải mái, tiện nghi, xa hoa trong cuộc sống và trong tâm hồn, coi của cải như là trung tâm hạnh phúc của mình. Đó cũng chính là kinh nghiệm của người giàu có trong Tin mừng, ăn mặc xa hoa và mỗi ngày dự tiệc linh đình; điều này thật quan trọng đối với anh ta. Còn người nghèo khổ đang ở trước cửa nhà anh, không có đủ để ăn thì sao? Đó không phải là chuyện của anh ta, nên anh ta đã không quan tâm đến người nghèo kia. Nếu như vật chất, tiền bạc, xa hoa thành trung tâm của cuộc sống, nó nắm được chúng ta, chiếm hữu chúng ta và chúng ta sẽ làm mất đi chính căn tính con người của mình. Anh chị em hãy nhìn cho rõ : Người giàu trong Tin mừng không có tên, đơn giản chỉ là “một người giàu”. Mọi thứ mà anh ta sở hữu là gương mặt của mình, không có gương mặt những người khác.
Nhưng chúng ta thử hỏi : Tại sao lại xảy ra điều này? Tại sao con người, có lẽ cả chúng ta nữa, sa vào mối nguy khép kín chính mình, mối nguy đặt sự an toàn của mình vào nơi vật chất, những thứ mà cuối cùng đánh cắp khuôn mặt, khuôn mặt nhân loại của chúng ta? Điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta đánh mất ký ức về Thiên Chúa. “Khốn cho các người vô tâm của Sion”, vị ngôn sứ đã nói như thế. Nếu thiếu ký ức về Thiên Chúa, tất cả bị thu lại trên cái tôi, trên hạnh phúc của tôi. Cuộc sống, thế gian, tha nhân, mất đi sự vững chắc, không còn gì nữa, tất cả bị biến thành một chiều : đó là của cải. Nếu chúng ta mất đi ký ức về Thiên Chúa, chính chúng ta cũng mất đi sự vững chắc, nó cũng làm cho chúng ta trống rỗng, chúng ta mất đi gương mặt của mình như người giàu có trong Tin mừng! Một tiên tri vĩ đại khác là Giêrêmia đã nói : Người chạy theo cái hư ảo thì chính họ sẽ trở thành hư ảo (x. Gr 2,5). Chúng ta được tạo nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải giống đồ vật, không phải giống các ngẫu tượng.

2. Vậy, khi nhìn anh chị em, tôi tự hỏi : Giáo lý viên là ai? Là những ngưởi bảo vệ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa; bảo vệ ký ức đó nơi chính mình và biết làm thức tỉnh nó nơi người khác. Điều này rất hay :  nhớ về Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, đứng trước hành động phi thường của Thiên Chúa trong cuộc sống mình, Mẹ không nghĩ đến vinh dự, danh giá, giàu sang, không đóng kín chính mình. Trái lại, sau khi đón nhận lời Sứ thần truyền và mang thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã làm gì? Mẹ ra đi, đến với người chị họ Elisabét đã cao niên, cũng đang mang thai, để giúp đỡ chị; và trong cuộc gặp gỡ với người chị họ hành vi đầu tiên của Mẹ là nhớ đến hành động của Thiên Chúa, đến lòng trung tín của Thiên Chúa trong cuộc sống Mẹ, trong lịch sử của dân Người, trong lịch sử của chúng ta : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…. Vì phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới… Lòng thương xót của Người từ đời nọ đến đời kia” (Lc1, 46.48.50)
Bài thánh ca Magnificat của Đức Maria cũng có ký ức đến câu chuyện cá nhân Mẹ, câu chuyện của Thiên Chúa với Mẹ, với chính kinh nghiệm đức tin của Mẹ. Đối với mỗi người chúng ta cũng thế, ký ức về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng chuyển động đầu tiên, tạo dựng và cứu chuộc, biến đổi chúng ta; Tin là nhớ đến Lời của Người đang hâm nóng con tim, nhớ đến những hành động cứu chuộc nhờ đó đem lại cho chúng ta sự sống, thanh tẩy chúng ta, chữa lành và nuôi dưỡng chúng ta. Giáo lý viên thực sự là một kitô hữu biết đem ký ức này để phục vụ cho việc loan báo; không phải để phô trương, không phải để nói về mình, nhưng để nói về Thiên Chúa, về tình yêu, về lòng trung tín của Người (…) Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các môn đệ của mình và nhất là người cộng tác Timôtê một điều : Anh hãy nhớ đến Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống lại từ cõi chết, như tôi vẫn loan báo và vì nó mà tôi chịu khổ (x. 2 Tm 2,8-9). Vị tông đồ có thể nói điều đó bởi vì trước tiên  ngài đã nhắc nhớ về Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi ngài khi còn là người bách hại các kitô hữu, Đấng đã đụng chạm và thay đổi ngài bằng Ơn sủng của Người.
Bởi thế, Giáo lý viên là người kitô hữu mang nơi mình ký ức về Thiên Chúa, để cho mình được ký ức về Thiên Chúa hướng dẫn trong tất cả cuộc sống của mình, và biết làm thức tỉnh nó trong tâm hồn tha nhân. Hãy cố gắng cho điều đó! Dấn thân trọn đời! Chính cuốn sách Giáo lý là gì nếu không phải là nhớ về Thiên Chúa, nhớ về hành động của Người trong lịch sử, nhớ đến sự kiện người ở cạnh chúng ta nơi Đức Kitô, hiện diện trong Lời của Người, trong các bí tích, trong Giáo hội và trong tình yêu của Người.? Anh chị em giáo lý viên thân mến, tôi hỏi anh chị em : có phải chúng ta là ký ức của Thiên Chúa không? Chúng ta có thực sự như những người lính gác làm thức tỉnh người khác ký ức về Thiên Chúa, hâm nóng tâm hồn?

3. “Khốn cho những người vô tâm của Sion”, vị tiên tri đã nói như vậy. Đâu là con đường đi để không phải là những người “vô tâm”, đặt sự an toàn vào chính mình và nơi vật chất, nhưng là những người nam nữ của ký ức về Thiên Chúa? Trong thư Thánh Phaolô viết cho Timôtê, ngài đã đưa ra một vài chỉ dẫn cũng có thể đánh dấu cho hành trình của người giáo lý viên, cho hành trình của chúng ta : hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (x. 1 Tm 6,11). Giáo lý viên là người của ký ức về Thiên Chúa nếu có kiên trì, có tương quan sinh tử với Thiên Chúa và tha nhân; nếu là người của đức tin, thì hãy tin cậy thực sự vào Thiên Chúa và đặt sự an toàn của mình nơi Thiên Chúa; Nếu là người của đức ái, và đức mến, thì hãy nhìn tất cả mọi người như anh em mình; nếu là người của “hypômné”, của nhẫn nại, bền lòng, thì hãy biết đương đầu với những khó khăn, thử thách, thất bại, với sự thanh thản và hy vọng vào Thiên Chúa; nếu là người hiền lành, thì có khả năng cảm thông và thương xót.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để tất cả chúng ta là người nam nữ, bảo vệ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và biết làm thức tỉnh nó trong tâm hồn của người khác.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn: www.news.va
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết

Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Khoá Nâng Cao Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Phan Thiết.

Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Khoá Nâng Cao Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Phan Thiết.

Đăng lúc: Thứ bảy - 09/07/2016 03:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Khoá Nâng Cao Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Phan Thiết.

“Các anh chị là những người nhiệt thành, đã hy sinh thời giờ, tạm gác mọi công việc gia đình để dành trọn 5 ngày theo khóa học, vậy anh chị hãy tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông để Loan báo Tin Mừng”, đó là lời mở đầu Thánh lễ Tạ ơn bế mạc khoá Nâng cao Mục vụ Truyền thông Giáo phận Phan thiết mà cha Hạt trưởng Hạt Phan thiết - Fx Phạm Quyền - dành cho các tham dự viên. Thánh lễ được diễn ra lúc 3 giờ chiều thứ Sáu 8.7.2016, tại nhà thờ Rạng.

xem hinh

Cùng đồng tế với cha Quản hạt trong thánh lễ hôm nay có cha Giuse Vũ Hữu Hiền – Tổng Thư ký UBMVTT/HĐGMVN, cha Giuse Nguyễn Hữu An – Trưởng ban MVTT Giáo phận Phan Thiết, cha Giuse Hồ Sĩ Hữu - Trưởng ban MVTT hạt Hàm Tân, cha Giuse Nguyễn Thành Long – chánh xứ Rạng, Trưởng ban MVTT hạt Phan Thiết – cha Giacôbê Tạ Chúc - Trưởng ban MVTT hạt Đức tánh, cha Tađêô Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban MVTT hạt Hàm thuận nam, cha Giuse Đặng Văn Nam, cha  G.M Vianey Dương Nguyên Kha và cha Luy Gonzaga Hoàng Luật tham dự viên của khoá tập huấn. Tham dự thánh lễ có tất cả các thành viên của khoá học.

Trong bài giảng lễ, cha xứ Rạng chia sẻ Tin Mừng (Thứ Sáu tuần 14 TN  - Mt 10, 16-23).

Sau khi cho các môn đệ thấy tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng và những đức tính mà người loan báo Tin mừng phải có, Chúa Giêsu không ngần ngại báo trước viễn cảnh đen tối mà các môn đệ sẽ đối mặt trên đường sứ vụ. Ngài không không dấu diếm, nhưng nói rõ cho các môn đệ hay về những thử thách, những bách hại đang chờ đợi phía trước, mà nói theo ngôn từ ngày hôm nay là các ngài sẽ bị khủng bố. Dẫu rằng đã được trang bị, được trao ban quyền năng của Thiên Chúa, như quyền trừ quỷ, quyền chữa lành, quyền phục sinh kẻ chết…, nhưng các ngài vẫn không được miễn trừ khỏi những gian nan thử thách.
Chúa Giêsu đã báo trước điều đó. Và thực tế, Nhóm Mười Hai đã gặp những thử thách nặng nề. Người ta không để cho các ngài được sống an lành. Trái lại, họ đã bắt các ngài phải chịu đau khổ và phải chết, thậm chí là chết một cách thê lương. Đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”, nhưng chịu đồng một số phận với chủ mình.
Vậy vì đâu mà các môn đệ bị bách hại, bị khủng bố như thế? Các ngài bị bách hại, bị khủng bố, không phải vì các ngài có tiền án tiền sự, vi phạm các tội ghê gớm, như trộm cướp, giết người, buôn lậu, trốn thuế, hay phản động…, hoàn toàn không. Vậy vì lý do gì? Vì hai lý do. Thứ nhất vì mang danh Đức Kitô: “Họ ghét Thầy nên họ cũng sẽ ghét anh em”. Thứ hai là vì Tin Mừng. Tin Mừng mà các ngài rao giảng đối nghịch với thế gian, nên bị thế gian loại trừ ắt cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, đối với các ngài, bị bách hại lại là điều tốt. Là điều tốt, bởi nhờ đó mà các ngài có cơ hội làm chứng cho Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng trước mặt vua chúa và dân ngoại. Là điều tốt vì nhờ đó mà họ nên giống Thầy của mình hơn.
Điều mà Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa vẫn luôn có giá trị cho tất cả những ai còn đang làm chứng cho Đức Kitô. Trong thời đại hôm nay, dù có thể là không còn bị bắt bớ, tra tấn, tù đày theo nghĩa hẹp; nhưng vẫn còn đó những gian lao, thử thách đối với người loan báo Tin Mừng. Thử thách do bởi lòng người dửng dưng khép kín trước sứ điệp mà mình loan báo. Gian lao do bị chống đối, vu khống và bôi nhọ vì niềm tin Kitô giáo của mình cách này hay cách khác. Và theo nghĩa rộng thì vẫn còn đó những khủng bố, những bách hại. Khủng bố bởi các trào lưu duy vật hưởng thụ, hay vô thần chủ nghĩa; bách hại bởi nền văn minh thù hận, văn hóa sự chết. Nhưng qua những khó khăn thử thách trên đường sứ mạng ấy, ta thấy được ai là người nhiệt thành với Tin Mừng và trung thành với Đức Kitô.

Cách đặc biệt đối với những người làm công tác truyền thông, những khó khăn thử thách mà các anh chị sẽ phải đối mặt đó là gì? Phóng viên của các báo đài, nhất là các phóng viên chuyên nghiệp thường được hưởng lương, hưởng nhuận bút hay thù lao, có khi là hậu hỉ; còn anh chị em đây, tuyệt đại đa số là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đã vậy có khi còn bị những lời chê bai, thị phi, v.v... Viết bài cũng hao tổn tâm trí lắm. Hỏi Cha Trưởng Ban Truyền Thơng Phan Thiết đây sẽ biết. Nhiều lúc phải thức bỏ ăn bỏ ngủ để viết bài cho kịp, vì ngài thường phải viết “tin nóng”. Vậy mà ngài đã từng bị chửi là “này...nọ”… Là người chịu trách nhiệm đăng tải bài trên trang web giáo phận, ngài lại càng bị “đao búa” của các độc giả khó tính khó nết… Có khi bị ghét, vì mang danh truyền thông; có khi bị ghen vì hay đưa tin xứ mình. Không biết Cha Tổng Thư Ký UB truyền thông HĐGM và xơ Duyên Sa đây đã có kinh nghiệm “mang thương tích” vì làm công tác truyền thông chưa (có chưa ạ?) Quý xơ và các anh chị em học viên ở đây đã có kinh nghiệm đau thương nào chưa? Dù có đi nữa thì xin hãy lấy Lời Chúa để khích lệ mình: “Anh em hãy vui mừng”, vui mừng vì đã được góp phần mình làm cho sứ điệp của Lời Chúa, sứ điệp của Tin Mừng được vang xa.

Dĩ nhiên, tin mà anh chị em thông truyền không phải là tin buồn, theo nghĩa tin đọc xong làm cho người ta sầu muộn, cũng không phải thuần túy là “tin tức”, theo nghĩa tin đọc xong làm cho người ta “tức tối” khó chịu, mà phải là tin vui, tin bình an. Dĩ nhiên, muốn luôn là người đưa tin vui, tin bình an thì người đưa tin phải là người cảm nghiệm được niềm vui vì chính mình đã được Chúa yêu thương, Chúa cứu độ.

Ước gì trong những lúc gặp khó khăn thử thách, các anh chị em luôn nhớ lời khích lệ của Chúa Giêsu, để không ngã lòng thất vọng, hay chùn bước thối lui. Trái lại, anh chị em vẫn một lòng hân hoan tin tưởng vì mình đang được vinh dự cộng tác với Giáo Hội trong công cuộc truyền thông Tin Mừng của Đức Kitô. Amen.


Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức trao chứng chỉ khóa học. Các thành viên giơ cao tay phải về phía trước cùng hát vang lời tâm ca “Dấn thân truyền thông”: Con xin hứa dấn thân, quyết sống đời Kitô hữu trưởng thành. Thề đem hết mọi khả năng - hiệp cùng ơn Chúa - để làm chứng nhân cho Thiên Chúa tới hơi thở cuối cùng…

Kế đến, cha chủ tế trao cho mỗi học viên chứng chỉ khóa học của UBMVTT như kết quả 5 ngày học tập viết phóng sự, làm video clip 90 giây và phim tài liệu, như hành trang lên đường thực thi sứ vụ truyền thông.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong trang nghiêm, sốt sắng.

Trước khi nhận phép lành kết lễ, anh Philipphê Dương Thanh Minh lớp trưởng đại diện các học viên nói lên tâm tình tri ân cảm tạ, đặc biệt là ban giảng huấn (cha Giuse Vũ Hữu Hiền giúp linh đạo truyền thông và viết tin, viết phóng sự, Sơ Duyên Sa và anh Nam giúp làm phim và video clip, đạo diễn Tô Hồng Hải giúp phim tài liệu), đồng thời đoan hứa cùng với nguyện ước mong cho mỗi thành viên “biết sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng, để cho Lời Chúa được vang xa và danh Cha được cả sáng; đặc biệt để cho “ánh sáng soi dẫn cuộc đời, là Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm, để cứ đêm xuống con đưa vào mạng xã hội Lời Ngài dù một câu thôi vừa”.

Sau khi thánh lễ kết thúc lúc 4 giờ, mọi người tiến ra trước tiền sảnh nhà thờ chụp hình lưu niệm.

Khoá học Nâng cao Mục vụ Truyền thông kết thúc sau buổi ăn chiều. Mọi người chia tay lưu luyến. Anh chị em mỗi giáo hạt hẹn nhau gặp gỡ sinh hoạt hàng tháng với cha linh hướng, viết nhiều nhật tác nguyệt tác trong titoco, hứa hẹn những tác phẩm phóng sự phim ảnh về năm thánh lòng thương xót. Lòng hăng say và nhiệt huyết muốn dấn thân Loan báo Tin Mừng bằng phương tiện truyền thông vẫn đang chảy tràn trong tim mỗi thành viên của khoá học.

BTT.GPPT
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết

Khai Mạc Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao

Khai Mạc Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao

Đăng lúc: Thứ hai - 04/07/2016 23:40 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Khai Mạc Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao 

Ban Truyền Thông Phan Thiết tổ chức Khóa đào tạo mục vụ truyền thông nâng cao tại Nhà Thờ Rạng – Hạt Phan Thiết, từ ngày 4-8/7/2016. Có 54 tham dự viên đến từ các Giáo xứ, các Dòng tu và Tu đoàn.
Cha Tổng Thư Ký và các chuyên viên thuộc Uỷ Ban Truyền Thông HĐGMVN cùng đồng hành và hướng dẫn khóa học này.

xem hinh

Giáo xứ Rạng với cơ sở khang trang rộng thoáng, sát bên bờ biển, sóng vỗ rì rào, gió mát yên bình. Các học viên thật thoải mái vừa học vừa tắm biển thư giản.

Lúc 10g sáng ngày 4.7, các học viên tề tựu đông đủ trong hội trường. Ban giảng huấn, ban tổ chức và quý cha đặc trách truyền thông Giáo hạt Phan thiết, Đức tánh đến tham dự khai mạc khóa học. Sau đó các tham dự viên học về Linh đạo Truyền thông, phóng sự. Đến 5giờ 30, Thánh Lễ khai mạc.

Nội dung học tập mục vụ truyền thông trong những ngày tới bao gồm: Tin & Phóng sự nâng cao, Video clip, Mục vụ Phim tài liệu, chia sẻ Lời Chúa trên Mạng Xã Hội.

Trong sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50, ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy để cho lòng thương xót soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động truyền thông của mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, cầu mong Lòng Thương Xót của Người cũng chiếu tỏa vẻ đẹp ngang qua những đời sống của mọi tín hữu. Cầu mong cho tất cả Kitô hữu biết cách tỏa sáng gương mặt Đức Kitô cho thế giới: “Năm Thánh Lòng thương xót mời gọi chúng ta phản tỉnh về tương quan giữa truyền thông và lòng thương xót. Trong thực tế, Giáo Hội hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng Nhập Thể hằng sống của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, được kêu gọi để sống lòng thương xót với những nét khác nhau trong tất cả hiện hữu và hành xử của mình. Có nghĩa là chúng ta có thể nói rằng, mỗi lời nói và cử chỉ phải có thể diễn tả lòng thương cảm, sự dịu dàng và sự tha thứ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người” (Sứ điệp Truyền thông 2016).

Cảm tạ Chúa vì những phương tiện truyền thông hiện đại.  “Truyền thông có khả năng kiến tạo những nhịp cầu, để cổ võ sự gặp gỡ và sự đón nhận, và như thế làm phong phú cho xã hội. Thật là đẹp biết bao khi nhìn thấy những người có trách nhiệm chọn lựa với sự cẩn trọng những lời lẽ và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành những ký ức bị tổn thương và tạo dựng hoà bình và hoà hợp. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số.”; “Truyền thông, những nơi chốn và những công cụ của nó đã cho phép một sự nới rộng của chân trời cho rất nhiều người. Đây là một ân ban của Thiên Chúa, và cũng là một trách nhiệm lớn...Cuộc gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót thật là phong phú trong mức độ cuộc gặp gỡ có thể tạo ra một sự gần gũi đối với những ai quan tâm, khích lệ, chữa lành, tháp tùng. Trong một thế giới phân hoá, phân mảnh, đa cực, truyền thông cùng với lòng thương xót có nghĩa là đóng góp một sự gần gũi tốt lành, tự do và đoàn kết giữa những con cái của Thiên Chúa và giữa anh em với nhau trong gia đình nhân loại”.

Ước gì mỗi học viên biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, giúp tạo điều kiện cho truyền thông Tin Mừng hiệu quả hơn và góp phần xây dựng xã hội văn minh tình thương.

BTT
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết