Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Mừng Kính Lễ Thánh Giuse Bổn Mạng Giáo Xứ và Cha Chánh Xứ Tân Lý

Mừng Kính Lễ Thánh Giuse Bổn Mạng Giáo Xứ và Cha Chánh Xứ Tân Lý
  
Sáng ngày 20.3.2017, cha Giuse quản xứ chủ sự thánh lễ kính Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria, bổn mạng giáo xứ. Cùng đồng tế có cha Đaminh phó xứ,  quý Nữ Tu, HĐMV và cộng đoàn dân Chúa Tân Lý  hiệp thông tạ ơn.

hình ảnh (click)

  Trong lời mở đầu trước thánh lễ, cha Giuse gợi nhớ cùng cộng đoàn, trong ngày mừng lễ kính Thánh Giuse, bổn mạng của Hội Thánh Việt Nam, bổn mạng cố Đức cha Giuse Giám mục Giáo phận Phan Thiết, bổn mạng giới Gia Trưởng và bổn mạng của tất cả anh em có thánh danh Giuse, vì vậy xin mọi người hãy thành tâm hiệp thông cầu nguyện cho nhau nhân ngày mừng lễ bổn mạng.
   Qua bài giảng, cha phó xứ Đaminh chia sẻ với cộng đoàn về những nhân đức của Thánh Giuse, một trong những nhân đức rất tuyệt vời của Thánh nhân là thinh lặng. Thánh Giuse luôn thinh lặng để chìm sâu trong mối tương quan với Thiên Chúa, để từ cảm nghiệm sâu lắng này mà Thánh nhân luôn vâng lời và thực thi ý Chúa  suốt cuộc đời của ngài. Vậy, hôm nay mừng lễ thánh Giuse bổn mạng của giáo xứ, xin cộng đoàn noi gương Thánh nhân, sống theo các nhân đức của ngài để chu toàn nhiệm vụ làm con của Thiên Chúa...
   Cộng đoàn hiệp nhất với quý cha đồng tế, dâng lên Thiên Chúa mọi tâm tư tạ ơn và nguyện cầu, vì nhờ ơn Chúa ban mà giáo xứ đã hình thành, phát triển xuyên suốt 130 năm qua, có biết bao người con của giáo xứ đang sống cũng như đã qua đời, luôn chung tay vun đắp hiệp thông với quý mục tử xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.
   Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện HĐMV giáo xứ có lời chúc mừng cha Giuse quản xứ nhân ngày mừng lễ bổn mạng, và xin thay mặt cộng đoàn dân Chúa Tân Lý vô vàn biết ơn cha, bởi trong suốt một thời gian dài, cha đã tiếp bước các vị mục tử tiền nhiệm luôn quan tâm lo lắng để tôn tạo giáo xứ ngày càng tươi đẹp như ngày hôm nay. Đáp lời, cha quản xứ mong sao cộng đoàn, hãy nhìn cảnh gia đình Nagiarét sống mà noi theo, vì suốt cả cuộc đời  của Thánh Giuse và Mẹ Maria chỉ sống vì con trẻ Giêsu, chỉ với một mong ước con trẻ lớn khôn để hoàn thành nhiệm vụ được Thiên Chúa giao phó, vì thế cha cũng mong sao các gia đình ngày nay, cũng sống vì con trẻ của mình, giáo dục chúng nên người, nên con cái của Chúa.

  Nguyễn Đình Ngân






Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 1 NĂM 2017

Tâm Tình Mục Tử Tháng 01 Năm 2017

Đăng lúc: Thứ tư - 28/12/2016 22:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 1 NĂM 2017

Kính gửi: Quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
            và anh chị em giáo dân Giáo Phận Phan Thiết

Anh chị em thân mến,
Năm 2016 vừa qua đi trong ơn thánh và niềm vui. Tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn trên Giáo Phận dọc dài năm thánh Lòng Thương Xót (8/12/2015 - 20/11/2016). Theo dòng thời gian, dẫu không có những biến cố hoành tráng, nhưng vẫn có những sự kiện để lại dấu ấn khó quên: như nghi thức mở và đóng Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa và Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao; những buổi tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót nơi các giáo hạt; nhất là nhịp sống tại các giáo xứ đã đổi thay theo hướng tích cực với con số hối nhân tìm đến tòa giải tội gia tăng, tín hữu lãnh bí tích Thánh Thể đông đúc, và rất nhiều người được đón nhận tình Chúa thương xót qua ơn tha thứ. Như thế, có thể nói châm ngôn “Vui năm hồng ân, quyết canh tân hòa giải; Sống mùa hoán cải, lòng rộng trải yêu thương” mà Giáo Phận đã đề ra lúc khai mạc năm thánh, đã có những âm vang tốt đẹp khi năm thánh được bế mạc. Trên đà lực này, Giáo phận bước vào năm 2017.

1. Khởi đầu năm Dương Lịch

Ngày 1 tháng 1 hằng năm, kết thúc Tuần bát nhật Giáng Sinh, là ngày lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Riêng với Phan Thiết, đây là ngày lễ mừng bổn mạng Giáo Phận. Thật vậy, ngay từ ngày khai sinh, Giáo Phận đã được tiến dâng cho Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, để từ đó mọi con dân trong Giáo Phận có chung một Mẹ để soi bóng tôn vinh học hỏi, cũng như có cùng một Mẹ để yêu thương cầu nguyện cậy trông. Và cũng kể từ đó, năm nào lễ Mẹ Thiên Chúa cũng được Giáo Phận tổ chức không chỉ long trọng xứng với bậc lễ trong phụng vụ thánh, mà còn linh đình phù hợp với niềm vui của mọi thành phần kết nên đại gia đình Giáo Phận. Ngày 1 tháng 1 hằng năm: Lễ Mẹ Thiên Chúa ta ăn lễ mừng. Mọi người sum họp tưng bừng, Câu kinh tiếng hát vang lừng nơi nơi. Họp nhau cảm tạ ơn trời, Qua tay Mẹ, đến với người trần gian. Họp nhau kêu khấn nài van, Mẹ nâng đỡ, sống bình an tháng ngày.

Nhưng ngày 1 tháng 1 hằng năm, còn là khởi đầu cho năm mới dương lịch với những ưu tư lo lắng hướng tới tương lai, chính vì thế Giáo Hội đã chọn ngày này là ngày cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Trong Sứ điệp hòa bình dịp đầu năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến một cung cách sống cụ thể, làm tiền đề cho việc xây dựng hòa bình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đó là việc loại trừ bạo động ra khỏi cách cư xử của con người. Có thể xem đây như là nét phác thảo cho bộ Quy tắc ứng xử trên thế giới giữa con người cũng như giữa các quốc gia với nhau, vừa mang tính khuyến cáo để ngăn ngừa đỗ vỡ, vừa mang tính xây dựng nhằm chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình. Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Trong năm 2017, ước chi chúng ta có thể nhiệt tình và chủ động hiến thân cho việc loại trừ bạo lực ra khỏi tâm hồn, lời nói và hành động, và cho việc trở nên những người phi bạo lực và kiến tạo những cộng đồng phi bạo lực biết chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta”.
Như vậy, ngày đầu năm họp mừng bổn mạng Giáo Phận và hướng lên Mẹ là Nữ Vương hòa bình, cách riêng năm nay kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017), ta hãy sốt sắng hát lên lời kinh: “Mẹ Maria, xin thương đến giáo phận con đây, ban nguồn an bình hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi giáo phận con đây, trong tình yêu Mẹ, liên kết muôn tâm hồn” (Văn Chi).

2. Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Hưởng ứng chương trình mục vụ ba năm liên tiếp (2017-2019) về gia đình với những điểm nhấn cho từng năm: 2017-chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; 2018-đồng hành với các gia đình trẻ; và 2019-đồng hành với các gia đình gặp khó khăn (x. Thư Chung 7/10/2016), năm 2017 này chúng ta dành ưu tiên cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Tình yêu xưa như trái đất, chẳng ai bảo ai, cứ đến tuổi cập kê là nam nữ tìm đến với nhau để xây dựng gia đình. Chuyện tự nhiên và cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng hơn khi nào, chuyện yêu đương của người trẻ hôm nay đang trở nên đề tài nhức nhối cho các bậc phụ huynh và những người hữu trách: từ yêu sớm đến yêu vụng; từ yêu qua đường đến yêu hướng đến hôn nhân; tất cả đều được dàn trải ra cho dư luận. Chả thế mà trên mặt báo, người ta gặp thấy nhan nhản những chuyện lẩm cẩm, từ chuyện “tình yêu như bát bún riêu, bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu nhì nhằng” cho đến chuyện “bắt cá hai tay, xôi hỏng bỏng không”; từ chuyện ngô nghê “ăn cơm trước kẻng” của cô công nhân cho đến chuyện chả nghiêm túc chút nào của cậu học sinh trung học phổ thông “yêu em cho nó đỡ buồn, đến khi tốt nghiệp anh chuồn về quê”. Chính vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị cả một năm, dành cho người trẻ định hướng tình yêu và chuẩn bị tiến tới hôn nhân.

Nói đến hôn nhân, người ta thường nghĩ đến đám cưới. Đám cưới là điểm đến của một tình yêu đúng đắn, nhưng đám cưới thực ra lại là điểm khởi đầu cho đời sống gia đình, không chỉ là định chế xã hội mà còn là ơn gọi, trong đó người nam và người nữ liên kết nên một, trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Ước mong ý nghĩa cao đẹp này của hôn nhân được các giáo xứ không ngừng tô đậm, các gia đình tín hữu tích cực nêu gương, và các bạn trẻ quan tâm học hỏi, để như logo của năm mục vụ 2017 minh họa, với sự soi dẫn Chúa Thánh Thần, người trẻ nam nữ hôm nay thắng vượt những khó khăn thử thách mà tin tưởng dắt nhau bước vào đời sống hôn nhân. Như thế, hôn nhân không chỉ là tình trạng sống, mà đã trở thành bậc sống được Chúa chúc phúc và được thánh hóa cách riêng bởi bí tích hôn phối.

3. Khai triển cụ thể

Với đối tượng đặc biệt là những người trẻ và điểm nhấn cụ thể là giúp họ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, nên chương trình mục vụ tích cực phải khởi đi từ các giáo xứ là nơi các bạn trẻ đang sinh sống hoặc đang tham gia sinh hoạt. Vì thế, ở đây vai trò của các cha Quản xứ là không thể thay thế. Tuy nhiên, để cho các cha Quản xứ thuận tiện điều hành cũng như để cho các bạn trẻ dễ dàng sắp xếp thời gian, xin đề nghị một mô hình học tập chung cho cả Giáo Phận, rồi tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh riêng mỗi nơi mà linh động tổ chức.

a) Nội dung học tập: giáo lý hôn nhân và gia đình.

Trước khi sống đời hôn nhân, vừa mới lạ vừa phức tạp, người trẻ cần được chuẩn bị về nhiều mặt từ kiến thức đến kỹ năng và nhất là về giáo lý bí tích hôn phối để sẵn sàng chu toàn trách vụ trong bậc sống mới. Về kiến thức và kỹ năng, cha Quản xứ có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà tâm lý và của bác sĩ y khoa; nhưng về giáo lý thì xin cha Quản xứ trực tiếp điều hành với sự cộng tác của đội ngũ giáo lý viên trong giáo xứ. Có thể sử dụng tài liệu Giáo ly hôn nhân và gia đình được soạn thảo bởi Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (xem: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/00MainMucLuc.htm)

b) Hình thức học tập: theo ba quy mô khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau.

-Quy mô giáo xứ: lớp học giáo lý hôn nhân và gia đình do giáo xứ tổ chức và điều hành theo mô hình chung trong toàn giáo phận.
-Quy mô giáo hạt: có thể có lớp giáo lý “liên giáo xứ” dành cho những giáo xứ nhỏ ở cận kề nhau, nhưng có quá ít học viên hay số giảng viên giáo lý còn thiếu. Ngoài ra tại giáo hạt cũng sẽ diễn ra những buổi sinh hoạt chung mang tính học tập vui tươi, gọi là ĐẠI HỘI. Mong sao các bạn trẻ lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong các giáo xứ sẽ về tham dự đông đủ, vừa học tập kiến thức, vừa chia sẻ kinh nghiệm, và cũng để nối vòng tay lớn cho kỷ niệm hôn nhân sau này.
-Quy mô giáo phận: Ngày 13/8/2017 được chọn làm NGÀY GIA ĐÌNH. Các thành viên lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong giáo phận được mời gọi tề tựu về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Giáo phận, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria trong dịp kỷ niệm 100 năm hiện ra tại Fatima, và xin nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, cho tình yêu của các bạn trẻ dành cho nhau được mãi bền chặt và đời sống hôn nhân của các bạn được thắm màu hạnh phúc.

c) Điều phối học tập: Các thành viên Ban Giáo lý và ban Mục vụ gia đình.

Mỗi tháng Ban Giáo lý và Ban Mục vụ gia đình đề nghị một đề tài học tập về hôn nhân và gia đình. Các giáo xứ sẽ nương theo đó mà khai triển trong lớp giáo lý của mình:
-Tháng 1:         Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
-Tháng 2:         Hôn nhân công giáo
-Tháng 3:         Giáo luật về Bí tích Hôn phối
-Tháng 4:         Hôn nhân khác tôn giáo
-Tháng 5:         Sống thời kỳ đính hôn
-Tháng 6:         Tình yêu vợ chồng
-Tháng 7:         Tính dục và hôn nhân
-Tháng 8:         Triển nở trong tình yêu
-Tháng 9:         Gia đình là Hội thánh tại gia
-Tháng 10:       Linh đạo hôn nhân và gia đình
-Tháng 11:       Các bí tích và việc cầu nguyện trong đời sống hôn nhân và gia đình
-Tháng 12:       Sinh sản có trách nhiệm và việc giáo dục con cái

Anh chị em thân mến,

Trên đây là những tâm tình ngồn ngộn tràn về, khi giã từ năm cũ bước sang năm mới. Xin tạ ơn vì hồng ân nhận được; xin tạ tội vì lỡ lầm trót phạm; nhưng trên hết vẫn là một tâm tình hiến dâng phó thác. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết, chúng con xin dâng Chúa năm mới với điểm nhấn mục vụ dành cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Xin cho các bạn này khám phá ra vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình để can đảm dấn bước vào. Và xin cho những người đồng hành với các bạn này trong suốt quá trình học tập được luôn kiên trì giúp họ thăng tiến trong tình yêu hướng đến hôn nhân, mong kiến tạo những gia đình hạnh phúc.

Phan Thiết, ngày 1 tháng 1 năm 2017

+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết

Tâm Tình Mục Tử Tháng 02 Năm 2017

Tâm Tình Mục Tử Tháng 02 Năm 2017

Đăng lúc: Thứ tư - 25/01/2017 20:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TẾT ĐẾN TRONG TIM NGƯỜI TÍN HỮU

Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi; Tết đến trong tim mọi người”. Câu hát quen thuộc mấy ngày nay nghe phát lại trên đài phát thanh, khiến giữa bầu khí vui mừng chung của đất nước và đất trời, tôi có dịp suy nghĩ sâu hơn về thời khắc đặc biệt của mùa xuân. Tết là những ngày hân hoan khởi đầu năm mới, cho cây nảy lộc, cho cành đơm hoa và cho cảnh vật khoác vào bộ áo mới trong ánh nắng tươi xinh. Nhưng Tết cũng là những ngày linh thiêng cho người tín hữu thể hiện lòng đạo của mình cách đầy đặn hơn trước Thiên Chúa toàn năng, trước các đấng bậc sinh thành, và không quên gói ghém mọi ước vọng chính đáng để chân thành dâng tiến như lễ vật đầu xuân. Tết không chỉ đến nơi cảnh vật, Tết còn đến trong tim mọi người.

1. Tết là dịp đón nhận phúc lành của Chúa

Năm mới khởi sự từ phút giao thừa. Về mặt thời gian, đây là phút giao hội giữa năm cũ và năm mới, giữa kết thúc của một năm đang qua và khởi đầu của một năm đang đến; nhưng về mặt tinh thần, đây lại là phút linh thiêng năm trước bàn giao cho năm sau trọn vẹn gia sản của mình. Giao là trao lại, thừa là nhận lấy. Giao thừa là lúc năm cũ trao lại mọi sinh hoạt, chương trình, dự tính của mình, để năm mới nhận lấy toàn bộ trong một tinh thần mới.

Về mặt tâm tình cầu nguyện, không thể phủ nhận đây là dịp duy nhất trong năm, giữa sự mênh mang của đất trời và sự mong manh của thời khắc, tự nhiên người tín hữu hướng đến việc gặp gỡ giữa hai động thái tạ ơn và tạ tội. Tạ ơn vì muôn vàn hồng phúc đã nhận được trong ngày tháng qua, từ hồng phúc cá nhân đến hồng phúc tập thể, gia đình và cộng đoàn; và tạ tội vì tội của mình trước hết rồi sau đó đến tội của tha nhân và mọi người. Giao thừa ở đây là giao lại cả quá khứ, dẫu còn đó những ngổn ngang và bóng tối, để hiện tại đảm đang nhận lấy, cho tương lai mở ra bước đi tươi sáng hơn. Tội lỗi được thứ tha và ơn phúc được tuôn đổ dạt dào. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ơn sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 6, 20b).
Và về mặt thăng tiến trong đức tin, đây chính là lúc bừng lên cuộc gặp gỡ giữa nỗ lực và cậy trông, giữa quyết tâm dốc sức của con người và lòng cậy trông gắn bó với Thiên Chúa. Nếu ước vọng lớn nhất của con người là được hạnh phúc và nỗ lực dài lâu nhất là làm sao để đạt được hạnh phúc ấy, thì lựa chọn vững chắc nhất ngay từ phút đầu năm là hãy xin sự trợ giúp và phúc lành của Chúa. Vì thế, đứng trước một thời điểm đặc biệt như phút giao thừa, với niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa là Chủ tể thời gian, Giáo Hội xin Chúa chúc lành cho các con cái của mình bằng những lời lẽ cảm động trong sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26).

2. Tết cũng là dịp thể hiện lòng hiếu thảo

Nếu trong tim người tín hữu, mồng một Tết gắn liền với giới răn thứ nhất “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, thì mồng hai Tết lại mở sang giới răn thứ bốn “Thảo kính cha mẹ”. Sau khi đã diễn bày tâm tình phải có đối với Cha trên trời, chúng ta được mời gọi để đảm lĩnh những phận vụ đối với bậc làm cha làm mẹ trên trần gian. Cây có cội, nước có nguồn. Cội nguồn sự sống đời đời là Thiên Chúa, còn cội nguồn sự sống đời này là cha mẹ của mỗi người. Vì thế, lòng tin chẳng những không miễn chuẩn cho tín hữu khỏi những trách vụ nhân sinh, mà trái lại còn củng cố và gia tăng ý nghĩa, khiến những trách vụ kia được chu toàn về mặt tự nhiên, cũng được thánh hóa và nâng cao như là thực hiện cho chính Thiên Chúa vậy. Ngày Tết là dịp gia đình quây quần, con cái bên mẹ cha, cháu chắt bên ông bà, với những lời cầu chúc và với mâm cỗ đậm đà, nhưng chính yếu vẫn là thể hiện lòng hiếu thảo.

Khi cha mẹ còn sinh thời, lòng hiếu thảo thường xuyên được diễn tả qua sự tôn kính mến yêu chăm sóc phụng dưỡng, và đặc biệt trong dịp đầu xuân qua việc chúc tuổi và đón nghe những lời giáo huấn nhủ khuyên. Nếu cha mẹ đã quá vãng, lòng hiếu thảo được thực hiện ở trong tim qua dòng chảy chung của việc kính nhớ tổ tiên hay qua tâm tình riêng của mỗi gia đình. Người chết chỉ thực sự qua đi khi người sống không còn nhớ đến họ, vì thế nhớ đến cha mẹ trong dịp Tết cũng chính là cách cầu nguyện cho các ngài và cũng là cách để mời các ngài hiện diện trong bầu khí sum họp gia đình. Ngoài ra, ta cũng có thể nói đến lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền bối trong đức tin, như các nhà truyền giáo đã truyền đạt cho ta đức tin công giáo, như các vị chủ chăn đã để lại dấu ấn mục vụ trong lịch sử giáo xứ, giáo phận. Nhớ đến công ơn của các ngài là một tình cảm tốt lành, mong ước và nguyện cầu cho giáo xứ, giáo phận được vững bước đi lên. Cùng trong dòng chảy này, ta cũng có thể nhắc đến lòng hiếu kính dành cho các nhà lập quốc, dù không cùng niềm tin tôn giáo, nhưng các ngài ở thượng nguồn lịch sử đất nước, đã có công gầy dựng và bảo vệ giang sơn, để chúng ta hôm nay là con cháu mới có niềm vui được sánh vai với các quốc gia lân cận.

3. Tết còn là mùa của công ăn việc làm được thánh hóa

Mồng ba Tết là ngày được dành riêng để cầu xin cho mùa màng hoa lợi trong năm gặp được mưa thuận gió hòa để vươn lên, và gặp được những điều kiện thuận lợi khác để phát triển, cho người gieo trồng được an ủi khi bỏ công vun chăm tưới bón, và người dân được phỉ chí toại lòng khi thưởng thức hương vị của hoa màu ruộng đất. Vì thế, theo truyền thống dân tộc, mồng ba Tết đã được khai triển rộng rãi hơn, vượt quá khuôn khổ của một lễ Cầu Mùa, để trở thành lễ xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Cụ thể trong ngày mồng ba Tết, ta nhớ đến việc lao động. Đây là việc xa gần hoặc ít nhiều liên quan tới mọi người trong công cuộc sinh tồn. Nói “công ăn việc làm” không chỉ muốn lặp lại định luật “tay làm hàm nhai” hay “có làm thì mới có ăn”, nhưng chỉ muốn ghi nhận nhu cầu cơ bản của đời sống con người là phải có việc làm phù hợp với khả năng và sức vóc, nhằm mục đích trước mắt là mưu sinh và cao hơn là đóng góp vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà làm ra những sản phẩm hữu ích cho đời sống. Nhưng không thể nói đến lao động mà không nhắc đến “người lao động”, là những người lấy sức lao công của mình mà đổi lấy cơm bánh hằng ngày. Nếu trong lao động, họ có bổn phận cống hiến hết sức để làm ra sản phẩm, thì cũng trong lao động, họ phải được hưởng đầy đủ quyền lợi do chính những sản phẩm kia mang lại. Đây là vấn đề công bình xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới sự bất bình, bất trắc. Mồng ba Tết ta không quên những “người lao động” trong ý nguyện cho công lý và hòa bình, để họ nhận ra phẩm giá của mình và sống trọn vẹn ý nghĩa công việc mình làm.

Dù là công việc hay con người đảm trách công việc, tất cả đều cần đến ơn thánh hóa mong truyền đạt tình thương của Chúa đến với mọi người, như lời tổng nguyện của ngày lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa”.

Tóm lại, Tết đến trong tim mọi tín hữu chúng ta qua những ý nguyện cầu bình an cho người còn sống hay kẻ đã ra đi, mong tất cả đều hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Và bình an cũng là lời cầu chúc xin gửi đến anh chị em trong năm mới này.

Năm Đinh Dậu, Tết Con Gà, Cục ta cục tác: nhà nhà ấm no.
Tiền đầy túi, thóc đầy kho, Cậy tin mến Chúa, chẳng lo lắng gì!

+ Giuse Vũ Duy Thống, Gm. Gp. Phan Thiết

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Giáo Họ Tân Long Chầu Lượt

Giáo Họ Tân Long Chầu Lượt

  Tại nhà thờ Tân Long, giáo xứ Tân Lý lúc 6 giờ sáng ngày 26.2.2017, cha phó xứ Đa Minh Lê Hoàng Vương đã về chủ sự thánh lễ Chúa nhật và cử hành nghi thức khai mạc ngày giáo họ Tân Long đại diện giáo phận tôn vinh Thánh Thể Chúa. Cùng hiệp dâng thánh lễ có quý sơ dòng MTG Phan Thiết, quý sơ dòng Đa Minh-Lạng Sơn, Ban giáo họ, và cộng đoàn giáo họ Tân Long.
  Trong bài giảng lễ, cha Đa Minh khơi gợi và đánh động tâm hồn mọi người, là hãy luôn tin tưởng, đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không dựng nên mọi sự rồi bỏ mặc, mà Ngài hằng quan tâm, chăm sóc. Cha cho biết, như lời Chúa Giêsu mời gọi, khi mỗi người biết phó thác đời mình “với tâm tình của người con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời vì Ngài lưu tâm đến cả những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái”
(Mt 6, 31-33). Thì Thiên Chúa sẽ ban cho nhiều ân sủng...
    Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Đa Minh thành kính cung nghinh Thánh Thể Chúa vào hào quang đặt trên bàn thờ và cùng cộng đoàn tôn thờ Thánh Thể khai mạc ngày chầu lượt của giáo họ. Liền theo giờ chầu khai mạc, là giờ chầu của các đoàn thể trong giáo họ: Thiếu nhi, Bà mẹ Công giáo, Thanh niên, Gia trưởng và sự hiệp thông của quý Nữ tu. Tất cả thành tâm, mở rộng lòng mình bằng câu kinh, tiếng hát, tâm tình nguyện cầu để biểu lộ sự tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa đang hiện diện thật sự trong Bí Tích Thánh Thể.
   Không gian thoáng mát trong lành, nhờ ánh mặt trời ẩn mình trong làn mây xám, bầu khí chung quanh ngôi nhà thờ đơn sơ, bé nhỏ nhộn nhịp rộn ràng, vì từng dòng người tín hữu từ các giáo họ bạn Giuse, Tôma, Phêrô, Gioan và xứ bạn Đá Dựng hiệp nhau tuôn về nhà Chúa Tân Long để cùng hiệp thông ca ngợi, tôn vinh Thánh Thể Chúa như biểu lộ của niềm tin hiệp nhất, trở nên những chứng nhân của Đức Tin giữa vùng đất còn nhiều anh em lương dân.

       Đúng 10giờ45, cha Giuse Nguyễn Kim Anh quản xứ về nhà thờ Tân Long, chủ sự nghi thức chầu chung bế mạc ngày chầu lượt của giáo họ. Tất cả mọi thành phần Dân Chúa hiệp nhất cùng cha Giuse, chung ý chung lòng, chung nghĩa cử thành tâm hướng về Thánh Thể Chúa vì tin nhận trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đang ở giữa mọi người cách mầu nhiệm,và thông truyền tình yêu của Ngài như lời chia sẻ của cha quản xứ: “Chúa đang hiện diện với chúng con, đang ở trước mặt chúng con, đón nhận những nỗi lo âu, những nỗi khổ của mỗi người, và Chúa đã trấn an, bảo chúng con chớ quá lo lắng mà hãy tin tưởng, tín thác vào Chúa...”.  Cộng đoàn lãnh nhận phép lành Mình Thánh Chúa, chia tay với niềm vui thánh thiêng an lành, riêng ban giáo họ, ca đoàn, quý sơ quây quần bên quý cha chụp chung với nhau tấm hình lưu niệm.
  Nguyễn Đình Ngân