Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Tâm Tình Mục Tử Tháng 02 Năm 2017

Tâm Tình Mục Tử Tháng 02 Năm 2017

Đăng lúc: Thứ tư - 25/01/2017 20:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TẾT ĐẾN TRONG TIM NGƯỜI TÍN HỮU

Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi; Tết đến trong tim mọi người”. Câu hát quen thuộc mấy ngày nay nghe phát lại trên đài phát thanh, khiến giữa bầu khí vui mừng chung của đất nước và đất trời, tôi có dịp suy nghĩ sâu hơn về thời khắc đặc biệt của mùa xuân. Tết là những ngày hân hoan khởi đầu năm mới, cho cây nảy lộc, cho cành đơm hoa và cho cảnh vật khoác vào bộ áo mới trong ánh nắng tươi xinh. Nhưng Tết cũng là những ngày linh thiêng cho người tín hữu thể hiện lòng đạo của mình cách đầy đặn hơn trước Thiên Chúa toàn năng, trước các đấng bậc sinh thành, và không quên gói ghém mọi ước vọng chính đáng để chân thành dâng tiến như lễ vật đầu xuân. Tết không chỉ đến nơi cảnh vật, Tết còn đến trong tim mọi người.

1. Tết là dịp đón nhận phúc lành của Chúa

Năm mới khởi sự từ phút giao thừa. Về mặt thời gian, đây là phút giao hội giữa năm cũ và năm mới, giữa kết thúc của một năm đang qua và khởi đầu của một năm đang đến; nhưng về mặt tinh thần, đây lại là phút linh thiêng năm trước bàn giao cho năm sau trọn vẹn gia sản của mình. Giao là trao lại, thừa là nhận lấy. Giao thừa là lúc năm cũ trao lại mọi sinh hoạt, chương trình, dự tính của mình, để năm mới nhận lấy toàn bộ trong một tinh thần mới.

Về mặt tâm tình cầu nguyện, không thể phủ nhận đây là dịp duy nhất trong năm, giữa sự mênh mang của đất trời và sự mong manh của thời khắc, tự nhiên người tín hữu hướng đến việc gặp gỡ giữa hai động thái tạ ơn và tạ tội. Tạ ơn vì muôn vàn hồng phúc đã nhận được trong ngày tháng qua, từ hồng phúc cá nhân đến hồng phúc tập thể, gia đình và cộng đoàn; và tạ tội vì tội của mình trước hết rồi sau đó đến tội của tha nhân và mọi người. Giao thừa ở đây là giao lại cả quá khứ, dẫu còn đó những ngổn ngang và bóng tối, để hiện tại đảm đang nhận lấy, cho tương lai mở ra bước đi tươi sáng hơn. Tội lỗi được thứ tha và ơn phúc được tuôn đổ dạt dào. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ơn sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 6, 20b).
Và về mặt thăng tiến trong đức tin, đây chính là lúc bừng lên cuộc gặp gỡ giữa nỗ lực và cậy trông, giữa quyết tâm dốc sức của con người và lòng cậy trông gắn bó với Thiên Chúa. Nếu ước vọng lớn nhất của con người là được hạnh phúc và nỗ lực dài lâu nhất là làm sao để đạt được hạnh phúc ấy, thì lựa chọn vững chắc nhất ngay từ phút đầu năm là hãy xin sự trợ giúp và phúc lành của Chúa. Vì thế, đứng trước một thời điểm đặc biệt như phút giao thừa, với niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa là Chủ tể thời gian, Giáo Hội xin Chúa chúc lành cho các con cái của mình bằng những lời lẽ cảm động trong sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26).

2. Tết cũng là dịp thể hiện lòng hiếu thảo

Nếu trong tim người tín hữu, mồng một Tết gắn liền với giới răn thứ nhất “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, thì mồng hai Tết lại mở sang giới răn thứ bốn “Thảo kính cha mẹ”. Sau khi đã diễn bày tâm tình phải có đối với Cha trên trời, chúng ta được mời gọi để đảm lĩnh những phận vụ đối với bậc làm cha làm mẹ trên trần gian. Cây có cội, nước có nguồn. Cội nguồn sự sống đời đời là Thiên Chúa, còn cội nguồn sự sống đời này là cha mẹ của mỗi người. Vì thế, lòng tin chẳng những không miễn chuẩn cho tín hữu khỏi những trách vụ nhân sinh, mà trái lại còn củng cố và gia tăng ý nghĩa, khiến những trách vụ kia được chu toàn về mặt tự nhiên, cũng được thánh hóa và nâng cao như là thực hiện cho chính Thiên Chúa vậy. Ngày Tết là dịp gia đình quây quần, con cái bên mẹ cha, cháu chắt bên ông bà, với những lời cầu chúc và với mâm cỗ đậm đà, nhưng chính yếu vẫn là thể hiện lòng hiếu thảo.

Khi cha mẹ còn sinh thời, lòng hiếu thảo thường xuyên được diễn tả qua sự tôn kính mến yêu chăm sóc phụng dưỡng, và đặc biệt trong dịp đầu xuân qua việc chúc tuổi và đón nghe những lời giáo huấn nhủ khuyên. Nếu cha mẹ đã quá vãng, lòng hiếu thảo được thực hiện ở trong tim qua dòng chảy chung của việc kính nhớ tổ tiên hay qua tâm tình riêng của mỗi gia đình. Người chết chỉ thực sự qua đi khi người sống không còn nhớ đến họ, vì thế nhớ đến cha mẹ trong dịp Tết cũng chính là cách cầu nguyện cho các ngài và cũng là cách để mời các ngài hiện diện trong bầu khí sum họp gia đình. Ngoài ra, ta cũng có thể nói đến lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền bối trong đức tin, như các nhà truyền giáo đã truyền đạt cho ta đức tin công giáo, như các vị chủ chăn đã để lại dấu ấn mục vụ trong lịch sử giáo xứ, giáo phận. Nhớ đến công ơn của các ngài là một tình cảm tốt lành, mong ước và nguyện cầu cho giáo xứ, giáo phận được vững bước đi lên. Cùng trong dòng chảy này, ta cũng có thể nhắc đến lòng hiếu kính dành cho các nhà lập quốc, dù không cùng niềm tin tôn giáo, nhưng các ngài ở thượng nguồn lịch sử đất nước, đã có công gầy dựng và bảo vệ giang sơn, để chúng ta hôm nay là con cháu mới có niềm vui được sánh vai với các quốc gia lân cận.

3. Tết còn là mùa của công ăn việc làm được thánh hóa

Mồng ba Tết là ngày được dành riêng để cầu xin cho mùa màng hoa lợi trong năm gặp được mưa thuận gió hòa để vươn lên, và gặp được những điều kiện thuận lợi khác để phát triển, cho người gieo trồng được an ủi khi bỏ công vun chăm tưới bón, và người dân được phỉ chí toại lòng khi thưởng thức hương vị của hoa màu ruộng đất. Vì thế, theo truyền thống dân tộc, mồng ba Tết đã được khai triển rộng rãi hơn, vượt quá khuôn khổ của một lễ Cầu Mùa, để trở thành lễ xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Cụ thể trong ngày mồng ba Tết, ta nhớ đến việc lao động. Đây là việc xa gần hoặc ít nhiều liên quan tới mọi người trong công cuộc sinh tồn. Nói “công ăn việc làm” không chỉ muốn lặp lại định luật “tay làm hàm nhai” hay “có làm thì mới có ăn”, nhưng chỉ muốn ghi nhận nhu cầu cơ bản của đời sống con người là phải có việc làm phù hợp với khả năng và sức vóc, nhằm mục đích trước mắt là mưu sinh và cao hơn là đóng góp vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà làm ra những sản phẩm hữu ích cho đời sống. Nhưng không thể nói đến lao động mà không nhắc đến “người lao động”, là những người lấy sức lao công của mình mà đổi lấy cơm bánh hằng ngày. Nếu trong lao động, họ có bổn phận cống hiến hết sức để làm ra sản phẩm, thì cũng trong lao động, họ phải được hưởng đầy đủ quyền lợi do chính những sản phẩm kia mang lại. Đây là vấn đề công bình xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới sự bất bình, bất trắc. Mồng ba Tết ta không quên những “người lao động” trong ý nguyện cho công lý và hòa bình, để họ nhận ra phẩm giá của mình và sống trọn vẹn ý nghĩa công việc mình làm.

Dù là công việc hay con người đảm trách công việc, tất cả đều cần đến ơn thánh hóa mong truyền đạt tình thương của Chúa đến với mọi người, như lời tổng nguyện của ngày lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa”.

Tóm lại, Tết đến trong tim mọi tín hữu chúng ta qua những ý nguyện cầu bình an cho người còn sống hay kẻ đã ra đi, mong tất cả đều hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Và bình an cũng là lời cầu chúc xin gửi đến anh chị em trong năm mới này.

Năm Đinh Dậu, Tết Con Gà, Cục ta cục tác: nhà nhà ấm no.
Tiền đầy túi, thóc đầy kho, Cậy tin mến Chúa, chẳng lo lắng gì!

+ Giuse Vũ Duy Thống, Gm. Gp. Phan Thiết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét