Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao Giáo phận Phan Thiết

Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao Giáo phận Phan Thiết

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/06/2018 01:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Khóa Đào Tạo Mục Vụ Truyền Thông Nâng Cao Giáo phận Phan Thiết

“Sự thật sẽ giải thoát anh em. Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình”. (Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2018), đó là chủ đề của khóa Mục Vụ Truyền Thông nâng cao Giáo phận Phan Thiết được tổ chức từ ngày 20 -23.6.2018, tại nhà mục vụ Giáo xứ Rạng.


Tham dự khóa học có 45 học viên là linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ các giáo xứ và dòng tu của Giáo phận. Ban tổ chức gồm linh mục trưởng ban Mục vụ Truyền thông Giuse Nguyễn Hữu An, và các linh mục đặc trách truyền thông của Giáo phận. Ban giảng huấn có linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền, linh mục Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Nữ tu Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa và chuyên viên IT Giuse Nguyễn Văn Trung.

Từ lúc 7g sáng ngày thứ Tư, các tham dự viên đã có mặt đông đủ và được ban tổ chức hướng dẫn những thủ tục bước vào khóa học.

Lúc 8g30, linh mục Giuse trưởng ban truyền thông khai mạc khóa học sau khi nói lên mục đích đào tạo nhân sự: “biết sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng”. Sau đó ngài trình bày Sứ điệp Truyền Thông 2018, với chủ đề: “Sự thật sẽ giải thoát anh em. Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình”.

Trong những tiết học tiếp theo, Linh mục Giuse thư ký ủy ban truyền thông HĐGMVN hướng dẫn các học viên viết bản tin, thực tập viết tin. Nữ tu Duyên Sa hướng dẫn kỹ năng chụp ảnh và thực hành, xử lý ảnh bằng photoshop, kỹ năng quay phim, dựng clip tin vắn, thực hành dựng bản tin video. Cha Tuấn Hải và Anh Trung hướng dẫn các học viên viết nhật tác và nguyệt tác trên trang web: titico.hdgmvietnam.com.
Cha quản xứ Rạng ân cần tiếp đón. Quý Nữ tu phụ trách nhà mục vụ tận tình phục vụ thật chu đáo.

Mỗi ngày, các học viên đều tham dự thánh lễ, múc nguồn sự sống và ơn phúc nhờ cầu nguyện thân mật với Chúa Giêsu. Ban chiều tắm biển thoải mái. Ăn hải sản tươi ngon. Ngũ ngon giấc nhờ gió biển nhẹ mát, sóng biển rì rào.

Khóa học kết thúc vào lúc 11g30 ngày thứ Sáu. Sau bữa cơm trưa thân mậ,t mọi người lưu luyến chia tay, hẹn nhau gặp lại khóa học năm tới.

***
Nội dung chính của sứ điệp truyền thông 2018 là lời kêu gọi phòng ngừa và vạch trần những ‘tin giả’, song song với cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên sử dụng từ “tin giả” là con rắn trong Vườn Địa đàng. Theo Kinh Thánh, ngày xưa tại vườn địa đàng, bà Evà bị con rắn lừa dối dụ dỗ cũng là câu chuyện ngày nay của chúng ta. Con rắn chỉ nói có một nửa sự thật: Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3,1). Bà Evà sửa sai con rắn, nhưng vẫn sập bẫy dễ dàng. Con rắn vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa như là một ông chủ khó tính, luôn cau có, cấm đoán con người. Từ đó, nó dẫn dụ con người đến nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Những thông tin kiểu như thế đang lan tràn đầy dẫy trên mạng xã hội. Đức Thánh Cha trình bày khái quát về tin giả như sau: “Thuật ngữ ‘tin giả’ đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế. Hiện tượng tin giả trong thế giới ngày nay là một vấn đề lớn trong truyền thông và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội của chúng ta.
Mỗi người phải tỉnh thức và chú ý để biết mà lật cái mặt nạ mà chúng ta gọi là “lôgic của con rắn”, lôgic này được che giấu mọi nơi và “cắn” như con rắn dụ bà Evà “cắn trái táo cấm” để làm cho bà và ông Adong thành “các vị thần có thể biết điều thiện điều ác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng, nỗ lực để có một nền truyền thông xây dựng hoà bình phải đến từ cả hai phía – phía cung cấp thông tin và phía nhận thông tin – trong đó, “trách nhiệm đó đặt nặng trên vai những người làm công việc cung cấp thông tin, cụ thể đó là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức”. Họ cần hiểu rằng “công việc của họ không chỉ là một nghề mà là một sứ mạng. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ đưa tin hay sức ảnh hưởng đối với độc giả, nhưng là con người. Thông tin cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến đời sống của con người”.
Vì vậy, các nhà báo Ki-tô giáo, và những người đưa tin nói chung, cần góp phần của mình vào việc làm sạch hơn môi trường truyền thông, bằng việc thi hành lời hướng dẫn của vị cha chung: bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin, tránh các ý muốn lạm dụng truyền thông. Họ phải tránh những tham lam, đồng thời biết sẵn sáng lắng nghe, chân thành đối thoại để sự thật có thể nổi lên. Họ cần đào luyện con tim để được cuốn hút bởi sự thiện, và chịu trách nhiệm về cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Hơn nữa, những người đưa tin phải có sự nhận định thận trọng, suy xét xem đưa tin gì là thích hợp, dành cho ai, trong bối cảnh nào, vì trong nhiều trường hợp, một tin chính xác lại có thể bị hiểu lệch lạc, hoặc gây hậu quả tai hại, nếu người nhận ở trong một hoàn cảnh không phù hợp. Do đó, như lời Đức Thánh Cha nhắc trong thông điệp, người đưa tin phải ghi nhớ rằng truyền thông là “phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình
Về phía người nhận tin, chúng ta cần học hỏi và tập luyện để có sự khôn ngoan, tỉnh táo, hầu biết phân định thông tin cách phù hợp theo tinh thần Ki-tô giáo. Có một vấn nạn lớn đối với người trẻ trong thời đại này, đó là ‘nhịp sống nhanh’: vì mọi thứ thay đổi quá nhanh, và cuộc sống có quá nhiều thông tin ập đến, khiến con người trở nên bận rộn. Chúng ta dàn trải thời gian cho quá nhiều thứ. Vì thế, trong việc tiếp nhận thông tin, ta không dành đủ giờ để suy xét hay phản tỉnh, mà chỉ lướt qua. Điều này khiến nhiều người đánh mất khả năng phê bình khi đọc tin. Vì thế, trước những thông tin có tầm quan trọng, chúng ta cần tập thói quen dành thêm giờ suy nghĩ thay vì vội vàng đưa ra kết luận theo cảm xúc. Cần phải tìm hiểu thông tin đó trong bối cảnh tổng thể của nó; đặc biệt, cần suy xét xem liệu nó có thể rơi vào những hình thức tin giả hay theo ý đồ lèo lái truyền thông như đã đề cập phía trên hay không.
Hơn nữa, trong mô hình tương tác của truyền thông hiện đại, người nhận cũng thường trở thành người truyền tin. Vì thế, chúng ta cần chú ý trách nhiệm của mình trong việc làm lan truyền các thông tin, nhất là trên mạng xa hội, như việc share hay comment trên facebook. Do đó, những hướng dẫn dành cho các nhà báo, như nói ở trên, cũng được áp dụng cho người đọc.
Ngoài ra, thiết tưởng cần đặc biệt nhấn mạnh rằng: người đọc hãy tập luyện tinh thần bình tâm, biết ‘bỏ rơi’ những thông tin không đem lại ích lợi cho con người, như xưa Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ biết ‘phủi bụi chân’ (tức đoạn tuyệt) đối với những điều không thích hợp (Lc 9,5). Có lẽ ‘thần dữ’ luôn muốn chúng ta bị ám ảnh bởi những thông tin lệch lạc, sai trái. Vì thế, biết cách bỏ rơi thông tin không thích hợp là một trong những cách hữu hiệu nhất trong việc chống lại sự dữ của truyền thông.
Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông của Đức Thánh Cha đã nhắc ta rằng, trước hai vấn nạn tin giả và dùng truyền thông để lèo lái công chúng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, người đưa và người nhận thông tin cần tập biết phân định và có trách nhiệm với thông tin. Sứ Điệp cũng chỉ rõ tiêu chuẩn của phân định: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32), sự thật ở đây chính là sự thật bắt nguồn từ Đức Giê-su, Đấng Sự Thật. Vì thế, nền tảng để phân định chính là việc sống kết hợp mật thiết với Đức Giê-su hầu cho tâm được lớn và trí được sáng để biết thông tin gì mang lại thiện ích và hoà bình cho bản thân, cho tha nhân, và cho toàn xã hội.
Xin cùng hiệp thông trong lời kinh của Đức Thánh Cha, được gợi hứng từ tinh thần của Thánh Phan-xi-cô Assisi, để cầu nguyện cho nỗ lực cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình:
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác tiềm ẩn trong thứ truyền thông không kiến tạo hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
Nơi đâu có kêu la, xin cho chúng con biết lắng nghe;
nơi đâu có bấn loạn, xin cho chúng con tạo được niềm hứng khởi hòa hợp;
nơi đâu có những mơ hồ, xin cho chúng con biết mang đến sự minh bạch;
nơi đâu có loại trừ, xin cho chúng con mang đến tình liên đới;
nơi đâu có kích động, xin giúp chúng mang lại sự điềm tĩnh;
nơi đâu hời hợt, xin cho chúng con nêu lên được những thắc mắc đích thực;
nơi đâu có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức được niềm tin;
nơi đâu có hận thù, xin cho chúng con biết mang đến niềm tôn trọng;
nơi đâu có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.

BTT
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
1
2
3
4
5
bài viết tốt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét